Kĩ năng lãnh đạo cần thiết của cán bộ lãnh đạo, quản lí trong bối cảnh phát triển kinh tế-Xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay

CBLĐ, QL luôn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình lãnh đạo. Hiệu quả của mọi hoạt động QL phụ thuộc rất lớn vào trình độ thông thạo nghiệp vụ và khả năng biết vận dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác thực tế của CBLĐ, QL. Trong bối cảnh phát triển KT-XH và tiến trình hội nhập quốc tế, CBLĐ, QL bên cạnh những yếu tố cần thiết về phẩm chất, tư tưởng, quán triệt chủ trương, chính sách về đường lối của Đảng, Nhà nước thì cũng rất cần có kĩ năng lãnh đạo tốt nhằm phát huy tối ưu hiệu quả lãnh đạo, QL phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng.

pdf3 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 598 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kĩ năng lãnh đạo cần thiết của cán bộ lãnh đạo, quản lí trong bối cảnh phát triển kinh tế-Xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 6/2018, tr 119-121 119 Email: thuantruongchinhtri@gmail.com KĨ NĂNG LÃNH ĐẠO CẦN THIẾT CỦA CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÍ TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Nguyễn Văn Thuận - Trường Chính trị thành phố Cần Thơ Ngày nhận bài: 30/05/2018; ngày sửa chữa: 22/06/2018; ngày duyệt đăng: 27/06/2018. Abstract: For socio-economic development and international integration, managerial staff plays a very important role in leading and operating activities of agencies, especially in the agencies of the State. Therefore, managers must be equipped with the knowledge and necessary skills to fulfill all the tasks and leadership role. This article focuses on the contents of leadership skills of managers in the context of socio-economic development and international integration today. Keywords: Skills, leadership skills, managers. 1. Mở đầu Theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH và tiến trình hội nhập quốc tế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo (CBLĐ), quản lí (QL) đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay. Năng lực, trình độ lãnh đạo của CBLĐ, QL cần phải được nâng cao, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. Hệ thống QL bộ máy các lĩnh vực trong sự phát triển của đất nước đều gắn liền với phát triển của khoa học, kĩ thuật và công nghệ, trong đó công nghệ thông tin đang được đưa vào QL hoạt động của toàn bộ hệ thống, đòi hỏi người cán bộ quản lí (CBQL) phải có kĩ năng lãnh đạo phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Bài viết tập trung nghiên một số nội dung của kĩ năng lãnh đạo nhằm giúp CBQL thực hiện tốt công tác lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số khái niệm cơ bản - Theo Luật Cán bộ, công chức, cán bộ bao gồm những người do bầu cử, đề bạt, bổ nhiệm để giữ một chức vụ nhất định trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. - Có nhiều cách định nghĩa về kĩ năng lãnh đạo. Trong bài viết này, chúng tôi quan niệm kĩ năng lãnh đạo có thể hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo vào hoạt động lãnh đạo thực tế để đạt được hiệu quả lãnh đạo cao nhất. - CBLĐ là người QL đứng đầu một tổ chức, đơn vị, có trách nhiệm thực hiện các chức năng của chủ thể QL và chịu trách nhiệm đầy đủ, toàn diện đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức đó hoặc được hiểu là những người hoạt động chính trị, xã hội. Họ không tự thân có quyền lực lãnh đạo mà phải được xã hội, được người chịu sự lãnh đạo trao quyền hoặc thông qua bầu cử, bổ nhiệm. - CBQL là người làm công tác QL, có chức danh và nằm trong hệ thống bộ máy QL của một tổ chức, đơn vị. 2.2. Yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí hiện nay Chất lượng của đội ngũ CBLĐ, QL là sự tổng hòa giữa chất lượng của từng CBLĐ, QL với cơ cấu đội ngũ và số lượng đội ngũ. - Cơ cấu đội ngũ CBLĐ, QL là cách thức xây dựng, bố trí, sắp xếp đội ngũ trong một tổ chức theo những tiêu chí nhất định nhằm phát huy tối đa khả năng của từng cán bộ và của cả đội ngũ cán bộ, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. - Số lượng CBLĐ, QL là điều kiện cơ bản để xây dựng và phát triển quy mô của tổ chức, để có lực lượng lãnh đạo, QL, để tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra có chất lượng, hiệu quả. - Đối với từng CBLĐ, QL, chất lượng là sự hội tụ những phẩm chất cao quý của người cán bộ, thể hiện những nội dung về tiêu chuẩn cán bộ trong thực tế. Đó là sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, trình độ kiến thức và năng lực công tác, được biểu hiện cụ thể ở kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, sự đóng góp của cán bộ đối với tổ chức đảng và sự phát triển của đất nước. 2.3. Các kĩ năng lãnh đạo cần thiết cho người cán bộ lãnh đạo, quản lí hiện nay 2.3.1. Kĩ năng sử dụng quyền lực Quyền lực là cơ sở và tiền đề thực hiện các hoạt động lãnh đạo, QL. CBLĐ, QL cần nắm vững phương pháp và nghệ thuật sử dụng quyền lực, thể hiện qua các nội dung sau: VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 6/2018, tr 119-121 120 - Thực hiện có hiệu quả những việc lớn của đơn vị. Để làm tốt vấn đề này, CBQL cần tập trung vào những điểm mấu chốt như: cần phân biệt những vấn đề trọng điểm và những vấn đề nói chung, phân biệt rõ việc lớn và việc nhỏ; biết tập trung tinh thần, sức lực vào việc nắm những mâu thuẫn chủ yếu; tư tưởng và hành động phải thống nhất; nắm chắc việc lớn, giải quyết đến cùng. - Khi đưa ra những quyết sách lớn quan trọng, cần phải làm tốt việc hiệp đồng, phối hợp trong nội bộ. Thường có nhiều ý kiến khác nhau khi một quyết sách lớn quan trọng được giao cho lãnh đạo các cấp thảo luận. Bởi vậy, người lãnh đạo chủ chốt cần phải chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, làm tốt công việc của các giai đoạn, các mặt hoạt động, thống nhất nhận thức tư tưởng của mọi người. - Biết cách trao quyền hợp lí: + Bất kì mục tiêu lãnh đạo nào cũng đều là sự tổng hợp của một số mục tiêu ở cấp bậc thấp hơn, đòi hỏi lãnh đạo nhiều cấp đồng tâm hợp sức cùng phấn đấu cho mục tiêu lãnh đạo chung; + Trao quyền có lợi cho việc phát huy tính tích cực tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, từ chỗ công việc chỉ một người lo trở thành công việc do nhiều người cùng lo; + Trao quyền hợp lí sẽ giúp cho cấp dưới rèn luyện, nâng cao và phát triển tài năng, đồng thời cũng có lợi cho việc nâng cao trình độ chung của cả cộng đồng; + Trao quyền sẽ giúp người lãnh đạo giải thoát mình khỏi những công việc sự vụ, tập trung tinh thần, sức lực vào việc nắm bắt những công việc lớn. - Trao quyền nhưng không buông lỏng. Sau khi trao quyền cho cấp dưới, cần phải giữ lại quyền lực và trách nhiệm cần thiết của mình, đề phòng việc buông rơi chức trách, quyền hành. Có hai điểm cần phải chú ý: + Cán bộ chủ chốt phải nắm cho chắc, không được bỏ quyền lớn, quyền lực về những việc có liên quan đến đại cục, đến những vấn đề cơ bản; + Đối với những quyền đã trao cho cấp dưới, cũng không được buông trôi mà phải nắm quyền kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và sửa đổi những sai sót của cấp dưới. - Phân công hợp lí, làm rõ quyền hạn của cấp dưới giúp tăng thêm sức mạnh cho người khác hoặc tập thể để đẩy mạnh công tác. Cần phải theo nguyên tắc chức vụ và quyền hạn nhất trí, trao cả quyền lực và trách nhiệm cho cấp dưới, đó là cơ sở giúp cấp dưới triển khai công tác... Việc phân công không được quá nhẹ, dùng không hết sức của cấp dưới, khiến cấp dưới không phát huy được hết chức trách của mình; cũng không nên quá nặng vì họ sẽ không kham nổi. - Không để xảy ra sự vượt quyền của cấp dưới. Trong thực tiễn công tác, có những trường hợp cấp dưới bỏ qua cấp trên trực tiếp để báo cáo và xin ý kiến, chỉ thị của cấp trên nữa; có trường hợp chưa được cấp trên đồng ý họ đã tự tiện sửa đổi quyết định, tự mình làm chủ cả những việc không thuộc phạm vi chức trách, quyền hạn của mình. Đó là hiện tượng vi phạm chức trách, quyền hành của cấp trên, tức là cấp dưới vượt quyền. 2.3.2. Kĩ năng sử dụng lợi ích Trong công tác lãnh đạo, QL, nhiều người vận dụng công tác chính trị tư tưởng để khích lệ, phát huy tính tích cực của cán bộ, công nhân viên. Đây là một biện pháp tốt để động viên những người dưới quyền. CBLĐ, QL phải công tâm, công bằng trong việc sử dụng lợi ích và cần chú ý một số vấn đề sau: - Muốn động viên, phát huy được tính tích cực của cán bộ, công nhân viên, phải xuất phát từ mục tiêu cơ bản, tất cả mọi biện pháp đặt ra và thực hiện đều phải xoay quanh mục tiêu đó. - Nhận thức phải đúng đắn, then chốt là ở chỗ phân rõ giới hạn giữa công bằng và bình quân. Có người hiểu việc sử dụng lợi ích công bằng là phân phối đãi ngộ phải bình đẳng, dẫn tới chỗ người cống hiến nhiều và người lười biếng đều được đãi ngộ như nhau. Chỉ có thưởng những người chăm chỉ, phạt những người lười biếng, đối xử phân minh như vậy mới được coi là công bằng thật sự. - Chế độ đãi ngộ phải hợp lí, khoa học, phải có lợi cho việc khích lệ tinh thần thi đua của cán bộ, công nhân viên. - Kiên trì, quyết tâm, công bằng trong thưởng, phạt và phải coi trọng lợi ích tập thể. - Người lãnh đạo phải công tâm, khắc phục những suy nghĩ riêng tư, làm việc công bằng, ngay thẳng; lấy thành tích công tác, cống hiến thực tế làm thước đo khen thưởng, không vì tình cảm và lợi ích riêng. 2.3.3. Kĩ năng “dùng người” Kĩ năng “dùng người” bao gồm ba mặt: tuyển chọn, dùng người và bồi dưỡng, giáo dục. Tuyển chọn gồm phát hiện đánh giá, khảo sát, đề bạt, bổ nhiệm... Dùng người gồm các việc: sử dụng, QL, chỉ huy, đoàn kết, khích lệ,... Bồi dưỡng, giáo dục gồm: cho đi học, rèn luyện trong thực tiễn. Dùng người là nội dung trung tâm của công tác lãnh đạo. Các kĩ năng cần chú ý khi lãnh đạo, QL con người: biết sử dụng sở trường của con người; không được đối xử thiên lệch với cấp dưới; phải hoàn toàn tín nhiệm cấp dưới; dùng đúng tài của con người; không bỏ lỡ việc bồi dưỡng; cùng cấp dưới suy nghĩ khi nghe họ phản ánh tình hình; kịp thời khẳng định thành tích của cấp dưới; biết đoàn kết với cán bộ cấp dưới khi họ có ý kiến về mình; không được dồn cấp dưới vào bước đường cùng; không hứa hẹn tùy tiện; có thành tích không nên tranh công, phạm khuyết điểm không đun đẩy cho người khác; không nhân nhượng đối với sai lầm, khuyết điểm của cấp dưới; người lãnh đạo phải ủng hộ công tác của cấp dưới trực tiếp. 2.3.4. Kĩ năng vận dụng mưu lược Để có được kĩ năng sử dụng mưu lược, con đường cơ bản nhất là phải học tập, hoạt động thực tiễn. Cần chú ý đến nội VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 6/2018, tr 119-121 121 dung: nâng cao năng lực ứng dụng tri thức; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực quan sát, phân tích thời thế; nâng cao năng lực dự báo tương lai. Sử dụng mưu lược cần phát triển các kĩ năng như: tính trước được mọi việc, nhất là các việc quan trọng; dám sáng tạo ra cái mới; phải nghĩ đi, nghĩ lại cho kĩ rồi mới làm; không làm việc theo cảm tính; không thể ra quyết sách theo chủ quan; không cứng nhắc, rập khuôn; phải có con mắt chiến lược; phải biết tổng kết, làm đi làm lại nhiều lần; phải biết vận dụng thông tin để phán đoán chuẩn xác; phải biết biến cái phức tạp thành cái giản đơn. 2.3.5. Kĩ năng lắng nghe CBLĐ, QL là những người biết lắng nghe. Mấu chốt để trở thành một người lắng nghe giỏi là không chỉ lắng nghe từ và ngữ, mà còn phải lắng nghe những gì ẩn sâu trong đó. Trong các cuộc họp và trao đổi với người khác, CBLĐ, QL cần chú ý những vấn đề cần thiết để phát triển kĩ năng lắng nghe; dẹp bỏ mọi vướng bận và tập trung vào những gì người nói trình bày và đừng xen ngang bởi nếu khi nói, sẽ không thể lắng nghe. Đặt câu hỏi là một kĩ thuật khác chứng tỏ người lãnh đạo, QL thật sự lắng nghe những gì đang được nói đến. Việc đặt câu hỏi sẽ ngăn người CBLĐ, QL đưa ra những giả định hoặc kết luận sai lầm về điều mà người nói đang cố gắng truyền tải. Lắng nghe là một trong những cách hay nhất cho phép người lãnh đạo, QL tìm hiểu những gì đang diễn ra. 2.3.6. Kĩ năng sử dụng thời gian Trong khoa học lãnh đạo, vai trò, hiệu lực của người CBLĐ, QL là sự thực hiện tổng hợp năng lực làm việc của người đó, là kết quả phát huy tác dụng của tất cả những nhân tố có quan hệ tới hoạt động lãnh đạo, trong đó kĩ năng sử dụng thời gian là một nhân tố quan trọng. Trong xã hội, mọi sự tiết kiệm đều quy về tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm thời gian và sự phân phối thời gian lao động một cách có kế hoạch trong các ngành sản xuất là một quy luật kinh tế cực kì quan trọng. Đó cũng là chuẩn mực chỉ đạo nghệ thuật sử dụng thời gian của nhà lãnh đạo, QL. Nghệ thuật và phương pháp vận dụng kĩ năng sử dụng thời gian thì CBLĐ, QL cần chú trọng đến bí quyết chi phối thời gian: xác định trước thật tốt mục tiêu của ngay ngày hôm nay; sử dụng đầy đủ thời gian một cách có hiệu suất cao nhất; dựa vào quy luật công tác, sắp xếp tốt thời gian biểu, tập trung sức lực hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng nhất. 2.3.7. Kĩ năng sử dụng ngôn ngữ Vận dụng ngôn ngữ là một nghệ thuật, là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố như trình độ tư tưởng, sự tu dưỡng lí luận, sự từng trải trong cuộc sống, tích lũy kiến thức, nói năng gãy gọn, kĩ xảo diễn đạt,... Dùng ngôn ngữ là kĩ năng lãnh đạo cần phải có của CBLĐ, QL để khích lệ quần chúng đoàn kết nhằm đạt mục đích và làm tốt công tác lãnh đạo, QL. CBLĐ, QL cần chú ý các kĩ năng để phát triển phương pháp và vận dụng kĩ năng sử dụng ngôn ngữ: chú ý lời nói phải có ý, có việc, hết sức tránh nói khách sáo dài dòng, rỗng tuếch; chú ý văn hóa lịch sự, trong sáng, hết sức tránh những từ cửa miệng; chú ý rõ ràng, có trọng tâm, có trọng điểm, hết sức tránh nói vòng vo dài dòng, trùng lắp; chú ý sinh động, hấp dẫn, hết sức tránh nói năng cứng nhắc, rập khuôn; lời lẽ trong báo cáo phải đơn giản, dễ hiểu; dùng lời lẽ giảng giải nhiệt tình, thiết thực; khi nói chuyện phải bám sát tâm lí người nghe. 3. Kết luận CBLĐ, QL luôn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình lãnh đạo. Hiệu quả của mọi hoạt động QL phụ thuộc rất lớn vào trình độ thông thạo nghiệp vụ và khả năng biết vận dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác thực tế của CBLĐ, QL. Trong bối cảnh phát triển KT-XH và tiến trình hội nhập quốc tế, CBLĐ, QL bên cạnh những yếu tố cần thiết về phẩm chất, tư tưởng, quán triệt chủ trương, chính sách về đường lối của Đảng, Nhà nước thì cũng rất cần có kĩ năng lãnh đạo tốt nhằm phát huy tối ưu hiệu quả lãnh đạo, QL phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Tài liệu tham khảo [1] Bộ Chính trị (2015). Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. [2] Chính phủ (2014). Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế. [3] Quốc hội (2008). Luật số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 - Luật cán bộ, công chức. [4] Trần Ngọc Uẩn (chủ biên, 2017). Giáo trình Một số kĩ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lí của cán bộ lãnh đạo, quản lí ở cơ sở. NXB Lí luận chính trị. [5] Lý Ân - Lý Dương (Trần Thanh - Hoàng Bắc - Song Hà biên dịch) (1999). Nghệ thuật lãnh đạo, quản lí. NXB Thống kê. [6] Brian Tracy (2014). Thuật lãnh đạo. NXB Thế giới. [7] Ngô Lan Anh - Đinh Thị Hà - Trịnh Thị Xuyến (2013). Các kĩ năng lãnh đạo, quản lí. NXB Chính trị - Hành chính. [8] Nguyễn Bá Dương (2013). Một số kĩ năng lãnh đạo, quản lí của cán bộ lãnh đạo, quản lí cấp cơ sở. NXB Chính trị - Hành chính. [9] Nguyễn Cúc (2006). Nâng cao năng lực và kĩ năng lãnh đạo, quản lí cho đội ngũ cán bộ nước ta hiện nay. Tạp chí Giáo dục lí luận, số 1, tr 21-23.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfki_nang_lanh_dao_can_thiet_cua_can_bo_lanh_dao_quan_li_trong.pdf